Khi gặp vấn đề về tiền bạc, điều đầu tiên chúng ta thường nghĩ là “Ước gì mình có nhiều tiền hơn!”. Có phải cứ nhiều tiền hơn, chúng ta lập tức cải thiện được tình hình tài chính cá nhân từ đó về sau? Những ngôi sao thể thao, điện ảnh với thu nhập “khủng khiếp” hàng năm hoặc người trúng xổ số tiền tỷ đã thực sự có nhiều tiền hơn nhưng tại sao họ tiếp tục rơi trở lại tình trạng phá sản hoặc túng quẫn? Và rất nhiều người trong chúng ta, dù thu nhập có tăng lên – làm ra nhiều tiền hơn, chúng ta cũng chẳng tích luỹ được khoản tiền nào. Thậm chí, chúng ta còn nợ tiền thẻ tín dụng hoặc tiền tiêu dùng từ một vài nguồn khác.
Cải thiện tình hình tài chính cá nhân không thể qua một đêm là thành công ngay được. Thực tế, đây là một quá trình (nghĩa là cần một khoảng thời gian nhất định) cần làm từ “bên trong”, bắt đầu bằng những thói quen, hành động nhỏ nhưng kiên trì và lập lại. 5 biện pháp đơn giản dưới đây có thể giúp tất cả chúng ta chuyển mình trong lĩnh vực tài chính cá nhân.
1. Thay đổi tư duy về tiết kiệm và chi tiêu
Theo nhiều nhà nghiên cứu, mức chi tiêu của chúng ta luôn có xu hướng tăng lên bằng hoặc vượt qua mức thu nhập nếu chúng ta không chống lại xu hướng này. Điều này có nghĩa, nếu không “đấu tranh với bản thân”, chúng ta luôn tiêu nhiều hơn tiền kiếm được!
Theo tư duy “cũ”, Tiết kiệm = Thu nhập – Chi tiêu, đồng nghĩa với chi tiêu trước, tiết kiệm sau, chúng ta sẽ chẳng còn lại gì, thậm chí còn âm tiền. Đây là tư duy cần loại bỏ: Tiết kiệm = Thu nhập – Chi tiêu.
Hãy chuyển sang tư duy mới, CHI TIÊU = THU NHẬP – TIẾT KIỆM, đồng nghĩa với tiết kiệm trước, chỉ chi tiêu phần còn lại, chúng ta sẽ chắc chắn giữ lại được một phần thu nhập.
2. Nâng cao tư duy về tiền bạc
Với tư duy ích lợi ở trên, mỗi khoản thu nhập có được, chúng ta chủ động giữ được một phần tiền. Nếu mở rộng ra, tiết kiệm trong công thức này không chỉ là khoản tiền chúng ta không đụng vào, mà còn bao hàm cả (i) khoản tiền chúng ta muốn cất đi (an toàn), (ii) khoản tiền chúng ta dành ra nhằm bảo vệ sức khoẻ & sức lao động của bản thân (các loại bảo hiểm) và (iii) khoản tiền chúng ta muốn đầu tư (tăng trưởng). Như vậy, chúng ta phát triển tư duy về tiền bạc nâng cao,
CHI TIÊU = THU NHẬP – TRẢ CHO BẢN THÂN
Theo đó, bản thân vừa có tích luỹ an toàn, vừa được bảo vệ đầy đủ, lại vừa có đầu tư tăng trưởng.
- Tích luỹ an toàn: để tiền chăm sóc phiên bản bản-thân-về-già, hưởng lãi suất tiền gửi ở ngân hàng và tận dụng sức mạnh lãi kép.
- Bảo vệ đầy đủ: để tiền đảm bảo sức khoẻ và sức lao động, tập trung vào tính năng bảo vệ.
- Đầu tư tăng tưởng: để tiền đẻ ra tiền, tiền vận động để hưởng mức lời cao hơn lãi suất tiền gửi ở ngân hàng.
3. Đảm bảo bản thân có các quỹ dự phòng thiết yếu trên thực tế
Trong đó, cần nhất là xây dựng Quỹ dự phòng khẩn cấp và Quỹ dự phòng thu nhập.
Quỹ dự phòng khẩn cấp
– Mục đích: Quỹ khẩn cấp chỉ được sử dụng cho các chi tiêu đột xuất gần như không thể trì hoãn vì nó liên quan tới tính mạng, sức khoẻ hoặc an toàn của các thành viên trong gia đình.
– Ví dụ tình huống: Người thân ốm cần nằm viện gấp, máy giặt bị cháy mô-tơ, nhà bị dột nước, …
– Lợi ích: Quỹ cho chúng ta tiền mặt để xử lý được ngay sự việc. Chúng ta không phải chịu đựng khi chờ lĩnh lương, chờ thu nhập về, hoặc chạy vạy vay mượn, …
– Số tiền thích hợp: Chúng ta có thể căn cứ vào số tiền áng chừng cần để xử lý các vấn đề trên, con số tham khảo là 10-20 triệu đồng, tốt hơn nữa là 20-30 triệu đồng.
Quỹ dự phòng thu nhập (quỹ thất nghiệp)
– Mục đích: Quỹ dự phòng thu nhập chỉ được sử dụng nhằm đảm bảo cuộc sống không bị xáo trộn ngắn hạn khi có các biến cố đột xuất về thu nhập.
– Ví dụ tình huống: Mất việc, giảm lương, thay đổi công việc, việc kinh doanh bị đình đốn, …
– Lợi ích: Quỹ sẽ “mua” cho chúng ta một khoảng thời gian để phục hồi thu nhập mà không gây ảnh hưởng tới các khoản chi tiêu hay đầu tư khác. Chúng ta sẽ không cần rút khoản tiết kiệm trước kỳ hạn khiến mất lãi, bán cổ phiếu đang đầu tư với giá lỗ, chuyển trường cho con để giảm học phí, bị chủ nhà đuổi vì nợ tiền thuê nhà, …
– Số tiền thích hợp: Chúng ta có thể căn cứ vào khoảng thời gian cần thiết để xoay sở tìm việc mới, sắp xếp lại quá trình kinh doanh, con số tham khảo là từ 3-6 tháng chi tiêu cơ bản của gia đình, tốt hơn nữa là 6-12 tháng chi tiêu cơ bản của gia đình.
4. Trì hoãn tiêu dùng bằng câu thần chú “5 ngày nữa mình sẽ quay lại mua”
Tình trạng tài chính cá nhân của chúng ta tệ hại bởi chúng ta thiếu giáo dục tài chính, trong đó nặng nề nhất là LỖ HỔNG TIÊU DÙNG – thiếu các nguyên tắc về sử dụng tiền cho tiêu dùng. Phần lớn những lần mua bán tiêu dùng của chúng ta đều có tính “xốc nổi” và mang về cảm giác “ê chề tội lỗi” ngay sau đó.
Chúng ta không thể phủ nhận thực tế rằng con người là “sinh vật của cảm xúc”, chúng ta cần hiểu rõ sự ảnh hưởng của cảm xúc lên hành vi và có biện pháp chế ngự hiệu quả. Một trong những biện pháp chế ngự hiệu quả đó chính là dùng câu thần chú “5 ngày nữa mình sẽ quay lại mua” nhằm trì hoãn tiêu dùng. Thường thì chúng ta sẽ “hết hứng” mua mua bán bán trong vòng 5 ngày. Chúng ta đang tự cứu túi tiền của mình khỏi “một bàn thua trông thấy”. Nếu bị hụt món đồ “thích điên lên được”, hãy cứ bình tĩnh sống bởi có lẽ định mệnh sẽ dẫn chúng ta đến một món đồ xuất sắc hơn! Tiêu dùng không cần phải vội.
5. Ghi chép thu chi
Bắt đầu ghi chép thu chi hoặc bắt đầu ghi chép thu chi lại từ đầu (bởi vì chúng ta đã thử, rồi bỏ, rồi thử lại, rồi bỏ tiếp,… nhưng có lẽ chúng ta vẫn cần đứng dậy thêm một lần nữa sau khi ngã) giúp chúng ta nhận thức được thực tế TIỀN ĐI ĐÂU HẾT. Ngoài ra, việc ghi chép rất hữu ích bởi vì nó giúp chúng ta:
– Không cần phải nhớ nhớ quên quên nặng đầu những khoản chi tiêu trong tháng.
– Nhận thức rõ năng lực kiếm tiền và thực tế chi tiêu của bản thân (thường là vung tay chi tiêu vượt trội khả năng kiếm tiền).
– Nắm bắt được thói quen chi tiêu, phát hiện những khoản chi tiêu không lành mạnh hoặc sự sa đà khi chi tiêu.
– Thiết lập được mục tiêu tăng thu nhập trên cơ sở thực tế và hạn mức chi tiêu.
– Thiết lập được kế hoạch cho tài chính cá nhân ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng như điều chỉnh các kế hoạch này định kỳ theo tình hình thực tế.
Chúng ta có thể ghi chép thu chi bằng sổ tay ghi chép, bảng excel đơn giản hoặc các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ghi chép thu chi như bài vỡ lòng trong tài chính cá nhân, nếu không thành thạo chúng ta không thể lên lớp cao hơn.
No Comments
Leave a comment Cancel