Vì sao chiếc áo khoác tuýt Chanel trở thành niềm ao ước của rất nhiều phụ nữ trên thế giới? Niềm ao ước ấy hẳn phải có những cơ sở nhất định. Đó cũng chính là lí do làm nên sự lôi cuốn SỨC MÊ HOẶC của một món đồ một DI SẢN. Và chúng ta may mắn, hãnh diện, trân quý khi có cơ hội được tìm hiểu, chiêm ngưỡng, thậm chí sở hữu một phần của di sản ấy. Hãy cùng tìm hiểu những điều thú vị về chiếc áo khoác tuýt Chanel huyền thoại.
1. Áo khoác tuýt Chanel có câu chuyện ra đời thú vị
Mối quan hệ lãng mạn giữa người phụ nữ cá tính – Gabrielle “Coco” Chanel * và vị Công tước thứ hai xứ Westminster bảnh bao – Hugh Grosvenor ** bắt đầu từ lần gặp gỡ đầu tiên của hai người. Vào khoảng năm 1925, vị Công tước được giới thiệu với Coco Chanel sau một buổi tiệc ở Monte Carlo và theo đuổi bà nhiệt tình. Bản tính rộng lượng với (tất cả) người tình, vị Công tước không ngại chi tiền để làm đẹp lòng Coco Chanel: mua một căn nhà tại quận Mayfair danh giá ở London, tặng một khu đất rộng tại Roquebrune-Cap-Martin ở miền Nam nước Pháp (Riviera) mà sau đó Chanel xây dinh thự La Pausa của bà. (Dinh thự này sau đó được chính Coco Chanel bán đi vào khoảng 1954 – sau khi Công tước mất; nhà mốt Chanel đã mua lại dinh thự này vào năm 2015.)
* Chanel (19/08/1883 – 10/01/1971) | ** Hugh Grosvenor (19/03/1879 – 19/07/1953)
Mối tình thú vị dẫn tới sự mê mẩn của Coco Chanel đối với trang phục đi săn và quần áo cùng bộ bằng tuýt của vị Công tước. Sau một lần mượn đồ thể thao ngoài trời từ người tình, bà đã nhận thấy loại vải làm nên trang phục đó thật dễ chịu, mềm mại, chất lượng cao và bà muốn sáng tạo nó với các thiết kế của mình. Chất liệu vải đó là vải tuýt (tweed) từ xứ sở Scotland xa xôi có khí hậu lạnh giá, ẩm ướt.

| Radio Times Hulton Picture Library
2. Áo khoác tuýt Chanel giương cao tinh thần giải phóng phụ nữ
Gabrielle “Coco” Chanel trước hết là một người phụ nữ. Bà hiểu rõ sự phiền lòng của người phụ nữ lúc bấy giờ khi phải “gò ép cơ thể” vào khuôn khổ chiếc áo corset bó chặt lấy eo để có thân hình đồng hồ cát. Bà cũng hiểu rõ khoảng cách xa vời giữa cơ thể thực tế của mỗi phụ nữ với cơ thể lý tưởng đồng hồ cát của lý thuyết. Là một phụ nữ của hành động, cùng với lời tuyên bố “Tôi chân thành quan tâm tới phụ nữ, tôi muốn họ được mặc áo khoác và chân váy cùng bộ (suits) khiến họ thấy thoải mái nhưng vẫn đầy nữ tính.”, Chanel thực sự bắt tay vào cắt may và cho ra đời những chiếc áo khoác dễ chịu với cử động của cơ thể.

3. Áo khoác tuýt Chanel phóng khoáng nhưng đầy tinh tế
Coco Chanel mang những ý tưởng mới lạ đầu tiên về một bộ trang phục dành cho nữ giới: có đường nét mạnh mẽ từ trang phục thể thao của nam, đảm bảo tính thoải mái hơn hẳn thời trang phụ nữ thời tiền chiến, ghi ấn tượng mạnh mẽ với dáng cổ khoét tròn không cổ áo, phom dáng cứng thẳng bằng những đường cắt vuông vắn, chắc chắn và tinh tế.
Phụ nữ yêu những bộ trang phục tuýt của Chanel được cắt may phóng khoáng như trang phục của nam giới; họ cảm thấy mạnh mẽ, quyền lực nhưng chiếc váy cùng bộ vẫn khiến họ vô cùng nữ tính, sang trọng như quý cô, quý bà. Và quan trọng vô cùng là việc phụ nữ cảm thấy thực sự thoải mái khi vận bộ trang phục của Chanel. Đó cũng chính là nguyên tắc bất di bất dịch của Coco Chanel khi thiết kế thời trang rằng “Nét tao nhã thanh lịch của trang phục phải gắn liền với sự thoải mái khi di chuyển.”.
Không những thế, các số đo may áo được lấy trong các tư thế vận động khác nhau; tay áo chỉ dài bằng 3/4 bình thường giúp cử động dễ dàng hơn và dễ dàng khoe vòng tay hoặc lắc tay; vai áo được Coco Chanel yêu cầu thêm miếng độn vai; hàng nút áo tròn được làm theo cỡ lớn cho dễ cài, tất cả đều khiến phụ nữ thời bấy giờ (và cho tới nay) khao khát một bộ trang phục vải tuýt của Chanel.

4. Áo khoác tuýt Chanel châm ngòi cho trào lưu “Đồng phục cộp mác Chanel”
Những năm 1920, chiếc áo khoác Chanel mỏng nhẹ, dáng cổ tròn không ve áo được nhiều phụ nữ để mắt tới, giới báo chí yêu thích và đặt cho nickname “Đồng phục cộp mác Chanel”. Đặc biệt bìa tạp chí Vogue Mỹ ấn bản tháng 9 năm 1924 với hình ảnh nữ diễn viên Ina Claire mặc bộ áo chui đầu và chân váy Chanel đã mở ra cuộc chinh phục thành công của những chiếc áo phóng khoáng in đậm dấu ấn cá nhân bởi Coco Chanel.

Diễn viên người Pháp Marie-Hélène Arnaud là gương mặt đại diện chính thức của Chanel vào năm 1958 ở độ tuổi 24. Marie-Hélène Arnaud thật cuốn hút trong áo khoác và chân váy tuýt cùng bộ tông màu nâu; bộ cánh này cũng được chính Coco Chanel yêu thích và chưng diện.

5. Áo khoác tuýt Chanel làm bằng chất liệu tuýt cải biến
Vải tuýt nguyên gốc từ Scotland bởi bàn tay của người thợ dệt nơi đây ban đầu thường được dùng cho tầng lớp lao động địa phương bình dân, có bề ngoài dày và khả năng giữ ấm, chống gió tuyệt vời. Trước khi Coco Chanel mang vải tuýt cải biến tới làng thời trang cao cấp phục vụ cho giới thượng lưu, từ năm giữa thế kỷ 19 (khoảng 1848), vải tuýt đã được giới quý tộc Anh và tầng lớp trung lưu đón nhận, ưa chuộng. Tuýt, tiếng Anh là tweed, thực ra là do lỗi viết nhầm mà thành của một thương gia người Anh khi viết lại từ tweel (tiếng Scotland) nghĩa là twill (tiếng Anh) – vải dệt chéo.
Công đầu cho sự phát triển thịnh hành này của vải tuýt thuộc về nữ hoàng Victoria và hoàng tử Albert. Mức độ phổ biến của vải tuýt quả là nhanh đến chóng mặt khi Nữ hoàng Victoria và Hoàng tử Albert mua lâu đài Balmoral. Hoàng tử Albert đã đặt một chiếc áo tuýt Balmoral đặc biệt ngay cả trước khi lâu đài được xây dựng. Điều này đã làm dấy lên một xu hướng chủ đất giàu có sử dụng vải tuýt cho các bất động sản của riêng mình, và chẳng bao lâu, loại vải này đã trở thành sản phẩm chính trong tủ quần áo của tầng lớp thượng lưu, ở cả Scotland và Anh.
Công lớn nhất cho việc biến chất liệu vải tuýt thô dày ban đầu thành chất liệu vải tuýt sành điệu, sang trọng, cao cấp trong thời trang thuộc về Coco Chanel. Từ 1924, Coco Chanel đã chỉ định một xưởng dệt ở Scotland sản xuất ra loại những mẫu vải tuýt của riêng bà để may tất cả các trang phục từ đồ thể thao, tới quần áo cùng bộ và áo khoác ngoài. Ban đầu bà chọn những màu sắc mà bà cảm thấy có cảm hứng từ miền thôn quê Scotland. Về sau, bà sử dụng các màu phong phú hơn. Bà cũng có những thay đổi về cách kết hợp sợi, xoắn sợi để làm ra những mẫu vải tuýt nữ tính, có màu sắc và hoa văn dệt độc quyền “cộp mác Chanel”. Vào những năm 1930, bà chuyển các nhà máy về miền Bắc nước Pháp để nâng cấp chất liệu, tăng thêm sự phong phú khi kiến tạo các mẫu vải tuýt bằng các loại sợi dệt từ len cừu, lụa, sợi bông và cellophane. Vải tuýt đã trở nên “thời trang” hẳn và nhẹ hơn nguyên mẫu. Coco Chanel thậm chí còn phát biểu “Thực tế, chính tôi là người đã dạy người Scotland làm những chiếc áo tuýt nhẹ hơn.”.
Tại sao Coco Chanel lại chọn và yêu thích vải tuýt đến thế? Có thể nói những lí do hết sức thuyết phục sau đây khiến Chanel dành thật nhiều tình cảm cho vải tuýt: (i) những đặc tính cố hữu tuyệt vời của vải tuýt, (ii) sự ưa chuộng sẵn có đối với vải tuýt trong tầng lớp trung & thượng lưu, (iii) tính tiềm năng không giới hạn đối với sự sáng tạo trên nền loại vải này và (iv) sự đón nhận tích cực mãnh liệt của thị trường đối với vải tuýt Chanel. Trong đó, lí do thứ (iii) – tính tiềm năng không giới hạn đối với sự sáng tạo trên nền loại vải này mang lại cho vải tuýt Chanel sức sống mãnh liệt. Về mặt toán học, sẽ có KHÔNG GIỚI HẠN những tổ hợp chất liệu, mầu sắc chủ đạo, hiệu ứng ánh sáng (chỉ kim tuyến, sợi đính kim sa lấp lánh, sợi ánh kim, …) để làm nên vải tuýt cải biến. Theo tính đồng nhất về màu sắc, tuýt tạm được chia ra thành tuýt đơn sắc (chỉ một màu, plain tweed) và tuýt diệu kỳ (tuýt nhiều màu, fantasy tweed).
Nhà mốt Chanel nói rằng “Vải tuýt được tạo ra bằng cách dệt sợi dọc và sợi ngang, sử dụng nhiều loại sợi khác nhau tạo ra vẻ ngoài độc đáo và có phần bất thường. Sợi dọc – được xâu theo chiều dọc – là nền của vải, là cơ sở sẽ hỗ trợ việc lắp ráp nên tấm vải. Có thể có tới 12 sợi khác nhau được sử dụng cho một sợi dọc. Sợi ngang – được dệt theo chiều ngang – mang lại cho vải đặc tính độc đáo của nó và có thể có số lượng sợi không giới hạn. Chặt chẽ, đan lỗ, có cấu trúc, dày dặn, có mặt nổi, tết bện, ngẫu nhiên, đan xen… số lượng tiềm năng của các hiệu ứng là vô tận…”. Video nên thơ bởi chính nhà mốt Chanel về quá trình dệt vải tuýt của họ sẽ làm sáng tỏ điều này. Nhiều mẫu vải tuýt của Chanel được tạo bởi nhà Lesage chuyên dệt và thêu tay với lịch sử danh giá lâu đời. Hiện nay nhà mốt Chanel đang sở hữu công ty con Maison Lesage này.
Media courtesy: Chanel.com
6. Áo khoác tuýt Chanel có cấu trúc tuyệt vời với khả năng điều chỉnh lên hoặc xuống tới 2 cỡ
Không ít những nhà thiết kế thời trang sau này đều vinh danh cấu trúc áo khoác tuýt Chanel như một thiết kế di sản để đời. Để dễ dàng di chuyển và dễ dàng chỉnh sửa bên ngoài cũng như bên trong, áo khoác tuýt Chanel được cấu tạo từ nhiều tấm. Số lượng các tấm và đường may bên trong áo khoác phải giống như bên ngoài. Tay áo có đường cong nhẹ tự nhiên và được may bằng hai mảnh vải tạo sự thoải mái khi vận động và phù hợp với cuộc sống hàng ngày.
Bởi vì cách chúng được cấu tạo nên áo khoác tuýt Chanel có thể dễ dàng tăng hoặc giảm hai cỡ. Bên dưới lớp lót, ở mỗi đường may, có một chút vải dư một cách cố ý có thể được lấy ra để tạo thêm không gian nếu cần. Điều tương tự cũng thực hiện được với việc thu gọn kích thước áo khoác.

7. Áo khoác tuýt Chanel có lớp lót thượng hạng
Tinh thần “Thanh lịch đến từ vẻ đẹp bên trong và bên ngoài” của Chanel thể hiện qua lớp lót lụa in hoa trà (hoặc 2 chữ C lồng vào nhau) tương đồng với kết cấu bên ngoài. Màu sắc của lớp lót phải phù hợp với màu bên ngoài của áo khoác. Chúng ta luôn có thể tìm thấy thông tin Lớp lót 100% bằng lụa này trong phần mác áo bên hông.

8. Áo khoác tuýt Chanel có túi áo làm điểm nhấn
Mỗi chiếc áo tuýt ban đầu của Chanel được thiết kế thêm bốn túi ở hai bên hông kiểu Tyrolean (trang phục truyền thống của người dân vùng Trung Âu xưa) để người mặc có thể đút tay vào túi – một cử chỉ khá nam tính thời Coco Chanel. Dần dần, những thiết kế khác có sự cách điệu và sáng tạo ít nhiều: có mẫu chỉ có hai túi hoặc chí không có túi nào. Tuy nhiên, chiếc áo cơ bản vẫn là chiếc áo tuýt Chanel!

9. Áo khoác tuýt Chanel có viền trang trí là những sợi vải được tết lại
Những sợi vải được tết (bện) vào nhau như đuôi sam và khâu bằng tay theo viền mép áo, gờ túi áo hoặc gấu áo mang lại hiệu ứng thị giác mạnh mẽ cho chiếc áo. Những sợi tết đuôi sam trang trí này được coi là một trong những đặc trưng nổi bật của áo khoác tuýt Chanel.

10. Áo khoác tuýt Chanel có những chiếc nút áo thủ công như món trang sức đẹp mắt
Bộ sưu tập cúc áo đầu tiên của Chanel bởi Maison Desrues được tạo ra vào năm 1965, và Georges Desrues (sáng lập viên của Maison Desrues) đã sớm trở thành nhà cung cấp ưa thích của Coco Chanel. Năm 1984, ông chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh của mình cho Chanel để bảo vệ bí quyết kinh doanh khổng lồ có được trong nhiều năm.
Các chuyên gia về nút và trang sức Maison Desrues đã tạo riêng những mẫu nút áo (cũng như phụ kiện thời trang cao cấp khác) với thiết kế thay đổi theo chủ đề của từng mùa thời trang (sản xuất khoảng 4.000 nút mỗi ngày) để tô điểm cho các thiết kế của Chanel. Những người thợ thủ công cũng đúc kim loại, điêu khắc, nhuộm, chạm trổ, tráng men và đánh bóng các viên đá và các thiết kế từ trang sức của chính Coco Chanel, mang đến một sức sống tươi mát trong những thiết kế cho các bộ sưu tập ngày nay. Để đáp ứng nhu cầu sáng tạo độc đáo riêng của nhà mốt Chanel, Maison Desrues áp dụng thêm công nghệ mới bao gồm thiết kế kỹ thuật số và cắt laser. Tuy nhiên, công ty vẫn giữ cho mình những tiêu chuẩn cao nhất về nghề thủ công. Hiện nay nhà mốt Chanel đang sở hữu công ty con Maison Desrues này.
Những chiếc nút áo của áo khoác tuýt Chanel vì thế không đơn thuần là những chiếc nút áo thông thường mà đẹp mắt như những chiếc cài áo hoặc món trang sức được chế tác hết sức cầu kỳ, với tiêu chuẩn chất lượng cao. Thông thường, một chiếc áo khoác tuýt Chanel sẽ có nút cài áo cỡ lớn nằm ở chính giữa và thêm nút cùng bộ cỡ nhỏ hơn đính ở mặt sau tay áo. Điều này tạo nên sự quý phái, đẳng cấp thượng hạng cho chiếc áo.

11. Áo khoác tuýt Chanel có sợi xích nhỏ nằm kín đáo bí ẩn
Một sợi xích nhỏ cùng chất liệu với nút áo (ví dụ nút áo bằng kim loại màu vàng thì sợi xích kim loại cũng vậy; nút áo bằng kim loại màu đen thì sợi xích kim loại đen) được khâu bên trong gấu áo giúp áo thả thẳng xuống góp phần làm trang phục đứng dáng.

12. Áo khoác tuýt Chanel là món đồ gia bảo đầy tính linh hoạt
Trải qua nhiều thập kỷ, chiếc áo khoác tuýt Chanel đa năng chiếm trọn trái tim của những ai đã từng sở hữu chúng và được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau như một món đồ gia bảo. Các cô gái ngày nay vẫn được khuyên về “lục tủ quần áo của bà ngoại” để thử vận may biết đâu sẽ tìm thấy một chiếc áo tuýt Chanel ngày xưa! Dù là đông hay hè, xuân hay thu, chỉ cần linh hoạt và để sự sáng tạo dẫn lối, chiếc áo khoác tuýt Chanel quý hơn vàng có thể tạo được 1001 “combo” trang phục sang trọng và nâng-điểm-phong-cách-cho-người-diện.


No Comments
Leave a comment Cancel